NGỮ VĂN
ĐỀ THI HSG CẤP TRƯỜNG MÔN NGỮ VĂN 12
 SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐĂK LĂK

      TRƯỜNG THPT PHÚ XUÂN       

 

                                                 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2016-2017

MÔN THI: NGỮ VĂN 12

Thời gian: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

 

            ĐỀ CHÍNH THỨC

 

        Câu 1 (8,0 điểm):

            Diễn giả nổi tiếng Nick Vujicic – chàng trai khuyết tật kỳ diệu nhất thế giới đã từng nói:“Nếu tôi thất bại tôi sẽ thử làm lại, làm lại và làm lại nữa. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ cố làm lại chứ ? Tinh thần con người có thể chịu đựng được những điều tệ hơn là chúng ta tưởng. Điều quan trọng là cách bạn đến đích. Bạn sẽ cán đích một cách mạnh mẽ chứ ?”

            Anh (chị) sẽ đối thoại với Nick như thế nào? Hãy trình bày quan điểm của mình bằng một bài văn nghị luận khoảng 400 từ.

Câu 2 (12 điểm):

Có nhận định rằng: “Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả”.

Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên?

Hãy phân tích bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh để làm sáng tỏ ý kiến đó.

 

--------------------- HẾT ---------------------

 

 

 

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

 

 

 

 

 

                      Họ và tên thí sinh: …………………………………………………Số báo danh: ………………

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM HSG CẤP TRƯỜNG MÔN NGỮ VĂN 12

(Hướng dẫn chấm này có 4 trang)

 

 

A.    HƯỚNG DẪN CHUNG

 

-   Cần nắm bắt được nội dung trình bày của học sinh để đánh giá một cách tổng quát bài làm, tránh đếm ý cho điểm. Cần chủ động linh hoạt khi vận dụng Hướng dẫn chấm này.

-   Đặc biệt trân trọng những bài viết có cách diễn đạt chặt chẽ, mạch lạc, giàu hình ảnh cảm xúc, có cách nhìn riêng, cách trình bày riêng hợp lí.

-   Điểm lẻ toàn bài tính đến 0,5 đ.

 

B.    ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

 

Câu 1 (8 điểm):

 

I. Yêu cầu về hình thức và kĩ năng:

 

- Vận dụng thuần thục cách thức làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí: kết hợp các thao tác lập luận một cách nhuần nhuyễn, huy động tốt những kiến thức sách vở, đời sống, những trải nghiệm của bản thân…để bảo vệ cho lập luận của mình.

 

- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, trôi chảy ; hạn chế tối đa việc mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

 

II. Yêu cầu về kiến thức:

 

Cần hiểu đúng ý tưởng của các câu trích ; cũng như dẫn ra được những dẫn chứng thực tế để bảo vệ cho lập luận của mình. Học sinh có quyền đưa ra những ý kiến riêng. Điều quan trọng là cách hiểu cách bàn luận phải xuất phát từ ý tưởng được dẫn trên đề phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của xã hội cũng như có sự hợp lí về lập luận.

Bài làm cần thiết đảm bảo định hướng chính sau:

 

1/ Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

0.5

a. Giải thích vấn đề:

2.0

- Thất bại là khi bản thân mỗi người không làm được điều mình mong muốn, không đạt được mục đích mình đề ra. 

1.0

- Ý kiến của Nick muốn đề cập đến sức mạnh của ý chí và nghị lực con người. Thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng sau mỗi lần thất bại con người cần có nghị lực, ý chí, niềm tin và lòng lạc quan tích cực, không lùi bước trước khó khăn, biết vượt lên chính mình.

1.0

b. Phân tích, chứng minh:

4.0

- Trong cuộc sống, mỗi người đều có ước muốn, mục đích để vươn tới. Trên con đường vươn tới mục đích, bạn có thể bị thất bại do nhiều nguyên nhân…

 

1.0

- Điều quan trọng là đứng trước thất bại chúng ta không bỏ cuộc, dũng cảm đương đầu với thử thách, biết đứng dậy làm lại từ đầu thì sẽ có động lực, niềm tin…

 

1.0

- Câu nói của Nick đã đánh thức dậy lòng dũng cảm, sự tự tin trong mỗi chúng ta để mạnh dạn đối mặt với những thử thách của cuộc đời. Sức mạnh tinh thần lớn lao có thể giúp con người vượt qua được những giới hạn của cuộc sống như một kỳ tích: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”.
- Dẫn chứng: Nick James Vujicic là một người Úc, anh sinh trưởng trong một gia đình bình thường nhưng với một cơ thể “ không bình thường” . Ngay từ thuở lọt lòng, Nick sinh ra mắc hội chứng Tetra-amelia bẩm sinh- một rối loạn gene hiếm gặp gây ra sự thiếu hụt chân, tay. Anh đã trải qua những năm dài triền miên trong mặc cảm và nỗi ám ảnh về bản thân. Nhưng giờ đây, Nick đã trở thành Chủ tịch và CEO tổ chức quốc tế Life Without Limbs, Giám đốc công ty thái độ sống Attitude Is Altitude và là  một diễn giả đầy lòng quả cảm, mà khi nhắc đến anh hàng triệu người phải ngã mũ kính phục.

1.0


1.0

c. Bình luận:

1.0

- Câu nói bao hàm một quan niệm sống tích cực và là lời khuyên đúng đắn: Hãy làm lại sau mỗi lần thất bại, không bỏ cuộc, hãy dũng cảm, lạc quan, nỗ lực vươn lên, không đầu hàng số phận… Bản lĩnh thép sẽ dẫn bước thành công.

0.5

- Nhận thức: Cần tự trang bị cho bản thân một quan niệm sống đúng đắn, đẹp đẽ.

0.25

- Hành động: Mạnh mẽ trong thực hiện những dự định tốt đẹp ; trong sạch trong lối sống ; cao

thượng, chân thành trong tình cảm.

0.25

3/ Kết bài: Đánh giá, nêu suy nghĩ bản thân

0.5

* Lưu ý: Xem xét cả hai yêu cầu về hình thức, kĩ năng và kiến thức để cho điểm.


 

Câu 2 (12 điểm):

I. Yêu cầu về hình thức và kĩ năng:

 

Học sinh có thể giải thích xong nhận định, sau đó phân tích bài thơ, so sánh đối chiếu,... để làm rõ nét riêng độc đáo của tác phẩm; hoặc kết hợp các thao tác nghị luận trên cùng một lúc. Kết cấu chặt chẽ, văn viết lưu loát, có hình ảnh cảm xúc; hạn chế tối đa việc mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

 

II. Yêu cầu về nội dung:

 

Trên cơ sở những hiểu biết cơ bản về lí luận văn học những kiến thức thuộc phạm vi đề bài, học sinh có thể trình bày vấn đề theo nhiều cách khác nhau, miễn là làm rõ được các ý  chính sau:

 

1/ Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề

0.5

a. Giải thích nhận định:

3.0

- Văn chương là lĩnh vực của cái độc đáo. Mỗi tác phẩm văn chương phải có nét riêng, nét mới  ở ý tưởng nghệ thuật cũng như ở hình thức biểu hiện. Mỗi nhà văn phải có một thế giới nghệ thuật riêng, một “chân trời” riêng, một “biên cương” riêng. Nhà văn có phong cách thì mới  được người đọc chấp nhận yêu mến. Phong cách càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn.

 

1.0

- Mới mẻ, độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương. Tác phẩm chương không có gì mới sẽ không được người đọc tiếp nhận. Nhà văn có phong cách nghệ thuật mờ nhạt sẽ bị người đọc quên lãng; lặp lại mình hoặc lặp lại người khác đều là điều tối kị trong hoạt động sáng tác của nhà văn...

 

1.0

- Biểu hiện của cái riêng trong văn chương:

+ Giọng điệu riêng biệt của tác phẩm.

+ Cách nhìn, cách cảm của nhà văn có tính chất khám phá.

+ Yếu tố mới trong nội dung tác phẩm.

+ Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật mang dấu ấn riêng

 

 

1.0

Lưu ý: Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo hai khía cạnh: nội dung và nghệ thuật.
Tuy nhiên, cần đảm bảo các ý trên.

2. Phân tích bài thơ để làm rõ vấn đề nghị luận:

 

a/ Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:

1.0

- Tác giả:

0.5

+ Xuân Quỳnh thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong chống Mĩ.

+ Tác giả của những thi phẩm nổi tiếng: Hoa dọc chiến hào (1968), Tự hát (1984), Hoa cỏ may (1989)...

+ Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn

hậu, chân thực và luôn luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường.

 

- Tác phẩm:

0.5

+ Sóng là bài thơ viết về tình yêu hạnh phúc, trích trong tập Hoa dọc chiến hào, viết năm

1967, tại biển Diêm Điền, Thái Bình.

+ Thơ năm chữ, có cấu tứ độc đáo – mượn sóng để nói đến khát vọng tình yêu.

 

b/ Phân tích:

6.0

- Giọng điệu chung của bài thơ: dào dạt, da diết, khát khao, âu lo, day dứt… Mỗi câu thơ như

một con sóng vỗ vào bờ, gợi tả tinh tế nhịp điệu tâm hồn của người phụ nữ đang yêu.

- Cách nhìn, cách cảm mới mẻ về tình yêu: Qua hình tượng “sóng” và “em”, tình yêu được thể

hiện ở nhiều cung bậc, sắc độ:

+ Những biến động khác thường, nghịch lí trong lòng người phụ nữ đang yêu. (Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ).

+ Khát vọng vươn xa, thoát khỏi sự chật chội, tầm thường ; tìm sự đồng điệu. Yêu là đưa

lòng ra biển lớn (Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể).

+ Tình yêu là nỗi khát vọng muôn đời. Yêu là hiện tượng vĩnh hằng (Ôi con sóng ngày

xưa/Và ngày sau vẫn thế).

+ Nhu cầu lí giải sự khởi nguồn, khởi điểm của tình yêu. (Em nghĩ về anh em/Em nghĩ về

biển lớn/Từ nơi nào sóng lên ?...Khi nào ta yêu nhau).

+ Nỗi nhớ nhung da diết, mãnh liệt. Nó chiếm cả bề rộng và tầng sâu ; khắc khoải trong mọi thời gian, cả trong ý thức và vô thức ; khắc khoải trong mọi không gian. (Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước/Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm không ngủ được/Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức/Dẫu xuôi về phương bắc/Dẫu ngược về phương nam/Nơi nào em cũng nghĩ/Hướng về anh một phương).

+ Niềm tin về một tình yêu dù cách trở vẫn đến được bến bờ hạnh phúc. (Ở ngoài kia đại dương/Trăm ngàn con sóng đó/Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở).

+ Nỗi trăn trở về sự hữu hạn của cuộc đời; niềm mong mỏi về sự vô hạn trong tình yêu. (Cuộc đời tuy dài thế/Năm tháng vẫn đi qua/Như biển kia dẫu rộng/Mây vẫn bay về xa).

Lưu ý: Có thể thí sinh nêu cách hiểu khác: Từ tình yêu hiện hữu, suy niệm về cuộc đời, thấy

cuộc đời là có thật và dài nhưng có thể đo đếm được bằng năm tháng…

4.0


- Nét mới trong nội dung:

  + Tình yêu nồng cháy, mãnh liệt, bí ẩn nhưng giàu nữ tính, đòi hỏi sự thủy chung trong

một tình yêu đúng nghĩa, hướng đến cuộc sống chung.

+ Khát vọng tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, khám phá cái tôi bản thể.

1.0

- Hình thức, kĩ thuật biểu hiện mang đậm dấu ấn riêng:

  + Kết cấu: kết cấu song hành “sóng” và “em”.

 + Cách biểu hiện vừa mới mẻ vừa truyền thống, đặc biệt là cách sử dụng hình tượng sóng: mỗi trạng thái tâm hồn của người phụ nữ đang yêu đều có thể tìm thấy sự tương đồng với một khía cạnh, một đặc tính của sóng.

+ Thể thơ 5 chữ, các câu nối tiếp gợi liên tưởng từng đợt sóng vào bờ.

1.0

c/ Đánh giá chung:

- Nội dung: Tình yêu trong bài thơ là tình yêu hạnh phúc, gắn liền với cuộc sống chung (không phải tình yêu đau khổ, không phải tình đầu non nớt, vụng dại), với nhiều đam mê khao khát, đòi hỏi chiều sâu trong tình cảm.

- Nghệ thuật: Bài thơ hội tụ nhiều nét tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh.

=> “Sóng” là một đóng góp đặc biệt của Xuân Quỳnh cho thơ ca viết về tình yêu của văn học dân tộc.

1.0

3/ Kết bài: Trình bày ý kiến về nhận định, nêu suy nghĩ bản thân.

0.5

* Lưu ý: Xem xét cả hai yêu cầu về hình thức, kĩ năng và kiến thức để cho điểm.

 

---HẾT---


 

 

 

   

Trường THPT Phú Xuân
Địa chỉ: 08 Nguyễn Hữu Thọ, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk
Điện thoại : 02623.954.077
Thiết kế bởi trung tâm Công nghệ và Dịch vụ nội dung - Viễn thông Đắk Lắk
Địa chỉ: 06 Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột. Điện thoại : 05003845678