Các bạn tân sinh viên ơi, đọc luôn và ngấm luôn nha. ❤
1. Tư tưởng học hành chăm chỉ ngay từ những ngày đầu nhập học, những môn học đầu tiên
Nhiều bạn sinh viên đi học xa nhà, lần đầu tiên được sống một mình, không có sự quản lý, chăm sóc của bố mẹ nên có tư tưởng “tận hưởng cuộc sống tự do” một thời gian đã rồi tập trung học cũng chưa muộn. Nhiều sinh viên năm nhất đã từng nghĩ rằng lên đại học là để xả hơi. Cho nên năm nhất của đa phần mọi người gắn liền với việc đi chơi, ăn chơi nhảy múa. Lại cộng thêm sự ủng hộ từ các bậc đàn anh, đàn chị cho rằng "Học đại học nhàn lắm" cho nên năm nhất thường không quan tâm nhiều đến bài vở. Suy nghĩ đó sẽ giết chết bạn đấy, bởi một khi bạn đã không tập trung ngay từ những môn học đầu tiên bạn sẽ bị mất cơ bản và không thể học tốt những môn học tiếp theo đồng thời nó cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả và thành tích học của bạn trong cả khóa học. Mặt khác, một bảng điểm “không đẹp” sẽ gây ra những ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng khi bạn nộp hồ sơ xin việc sau này.
2. Thay đổi phương pháp học tập
Khi còn ở bậc THPT, các bạn thường xuyên phải đối mặt với việc kiểm tra bài cũ, kiểm tra 15 phút, làm bài 1 tiết và sự nhắc nhở của thầy cô bộ môn, thầy cô chủ nhiệm. Đặc biệt là cuốn Sổ đầu bài “thần thánh” sẽ gọi tên bạn bất cứ khi nào bạn lười học, bị điểm thấp, nghịch trong giờ thầy cô giảng. Và ngay lập tức, bạn sẽ phải mời phụ huynh đến trường để gặp thầy cô chủ nhiệm. Nhưng vào đại học thì sẽ không còn những phút giây ấy nữa. Chính vì vậy mà các tân sinh viên hãy chuẩn bị tinh thần tự học là chủ yếu.
3. Nên thân thiết với các anh chị khóa trên và nhờ hướng dẫn trong quá trình tự học
Hãy thường xuyên lên diễn đàn sinh viên của trường. Ở đó các bạn có thể là một thành viên của diễn đàn, tha hồ mà tâm sự và học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị. Nếu bạn nào ở ký túc xá thì việc quen biết với khóa trên dễ hơn.
4. Cố gắng đến lớp thường xuyên
Đây là điều quan trọng nhất và cũng khó thực hiện nhất khi lên đại học vì tại nhiều trường việc đến lớp dường như được nới lỏng, nên nhiều sinh viên thường nghỉ học. Đừng biến những năm tháng đại học trở thành khoảng thời gian trả nợ môn học, hoặc tệ hơn là không thể tốt nghiệp vì thiếu tiết, thiếu kiến thức. Hơn nữa, điểm chuyên cần cũng giúp cho điểm số môn đó của bạn tăng lên, làm thay đổi cuộc đời bạn.
5. Hãy học nấu ăn
Bởi ăn ngoài tốn kém và không đảm bảo vệ sinh bằng mình nấu. Nhưng tất nhiên, thi thoảng các em có thể đổi không khí để ra ngoài ăn uống cho vui.
6. Trang bị, rèn luyện kỹ năng
Ngay từ những ngày đầu là tân sinh viên còn nhiều thời gian rảnh rỗi, các bạn nên tham gia nhiều lớp học về kỹ năng thực hành xã hội và bắt đầu rèn luyện từng ngày. Các kỹ năng bạn nên trang bị thêm là: làm việc nhóm, giao tiếp, sắp xếp thời gian, chi tiêu, tư duy sáng tạo, tư duy tích cực, hoạch định mục tiêu cuộc đời, làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế…
7. Đọc nhiều sách báo
Ngoài việc tiếp thu các kiến thức trên giảng đường thì các bạn sinh viên nên tự đọc sách báo và nghiên cứu thêm những tài liệu liên quan. Các em hãy chăm lên thư viện mượn sách, đọc tài liệu. Thư viện có rất nhiều sách hay, các em lại không tốn tiền mua mà vẫn có kiến thức. Học và ôn thi ở thư viện cũng rất thích vì ở đó rất yên tĩnh và lại có không khí học tập từ mọi người.
8. Luôn luôn tự nhủ phải “tránh xa những cạm bẫy chết người”
Hãy biết tránh xa những “cạm bẫy” có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bạn như những thú vui không lành mạnh, những tình yêu mù quáng,… ngay từ ban đầu và tuyệt đối cũng không nên “thử một lần cho biết” bởi khi có lần đầu cũng sẽ có lần sau và những lần sau nữa. Đặc biệt, tránh xa lời dụ dỗ “làm giàu không khó”. Và dù sinh viên nghèo khó thế nào cũng không làm những việc phi pháp nhưng nhanh ra tiền.
9. Hãy bắt đầu học tiếng Anh ngay từ sớm
Năm 1 chính là thời gian lý tưởng nhất của thời sinh viên để học tiếng Anh. Nhưng phần nhiều sinh viên mới vào đại học lại sai lầm khi cho rằng năm thứ nhất chưa cần học tiếng Anh vì còn nhiều môn học khác phải ưu tiên hơn, còn tiếng Anh thì chờ tới khi ra trường mới cần đến. Nhưng đáng tiếc tiếng Anh là một môn học đòi hỏi sự tích lũy trong thời gian dài để các kỹ năng sử dụng tiếng Anh mới trở thuần thục. Năm thứ nhất và năm thứ hai đại học thường là những năm học ít vất vả nhất, và đây chính là lúc bạn có thể dành thời gian để học tiếng Anh một cách dài hơi, từ gốc và học một cách bài bản. Đến những năm thứ ba và tư, bạn sẽ bận rộn hơn rất nhiều cho những môn học chuyên ngành. Bạn còn phải dành thời gian cho việc nghiên cứu, thực hành, thực tập.
10. Sắp xếp hài hòa các hoạt động
Hãy tích cực tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động chung của khoa, của trường. Bởi vì, tham gia các hoạt động trong các CLB sẽ giúp các bạn tân sinh viên thêm tự tin và năng động hơn cũng như có thêm nhiều bạn bè tốt, trau dồi kỹ năng. Tuy nhiên, hãy biết sắp xếp hài hòa giữa học và vui chơi giải trí để không ảnh hưởng tới thời gian, sức khỏe và việc học.
11. Ổn định trước, làm thêm sau
Tân sinh viên nên ổn định cuộc sống trước vì năm đầu chưa quen với phương pháp học mới, bạn sẽ rất bỡ ngỡ. Sau khi ổn định nhịp sống và thời khóa biểu, hẵng tính tới làm thêm.
Ngoài lưu ý tìm việc từ các anh chị đã có kinh nghiệm, các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín thì tân sinh viên phải nghĩ đến tính phù hợp với thời khóa biểu, khoảng cách địa lý trong di chuyển nhằm đảm bảo tiết kiệm nhất về sức lực và thời gian.